Nuôi bò còn lắm gian truân?
Nuôi bò sữa được xem là hướng đi tiềm năng phát triển kinh tế hộ gia đình. Nghề này tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng nếu được hỗ trợ bài bản, đây sẽ là một mô hình phát triển kinh tế bền vững.
Cái khó của mô hình chăn nuôi tự phát
Cách đây 4 năm, chị Nguyễn Thị Tý (Tản Lĩnh, Ba Vì) cũng bị cuốn theo làn sóng nuôi bò sữa của huyện. Mua được 6 con bò sữa, chị kỳ vọng mỗi ngày sẽ thu về 100 - 120 lít sữa tươi. Thế nhưng, việc chăn nuôi lại chẳng thuận buồm xuôi gió như chị tưởng. Do không đủ kiến thức và kinh nghiệm, gia đình chị lao đao nhiều phen, lúc thì do bò gặp dịch bệnh, khi thì lượng sữa giảm, không đạt chất lượng... Đến năm 2008, chị chỉ giữ lại 2 con bò, nuôi trong tình trạng cầm chừng.
Khó khăn của chị Tý cũng chính là khó khăn chung của đại đa số nông dân nuôi bò sữa. Mô hình chăn nuôi tự phát thường dẫn đến những hạn chế trong chăn nuôi: bò dễ mắc bệnh, cho ít sữa, có khi bệnh dịch làm mất cả con giống. Hệ thống chuồng trại còn sơ sài, mất vệ sinh cũng ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Do thiếu sự hỗ trợ về kỹ thuật, người nông dân cứ loay hoay không thoát khỏi mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ.
Theo các chuyên gia, nuôi bò sữa hộ gia đình là mô hình rất tiềm năng nhưng cần được đầu tư để chuyên nghiệp hơn. Người dân cần được đào tạo sâu về kỹ thuật chăn nuôi, đầu tư cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn vệ sinh và có các trang thiết bị vắt sữa chuyên dùng để tối đa hóa lượng sữa thu được, đảm bảo chất lượng sữa. Đứng trước nhu cầu có thực cũng như hướng tới việc phát triển nguồn sữa tươi nguyên liệu bền vững, mô hình Nông trại bò sữa Việt do công ty CP Sữa Quốc tế (IDP) triển khai từ năm 2009 đã từng bước giải quyết những khó khăn này.
Lời giải từ “Nông trại bò sữa Việt”
IDP đã từng bước giúp những người nông dân như chị Nguyễn Thị Tý chuẩn hóa kỹ thuật chăn nuôi bằng cách đưa vào thực hiện bộ tiêu chuẩn Love’in Farm. Bộ tiêu chuẩn này được xây dựng áp dụng các tiêu chuẩn cao của Việt Nam và Quốc tế về chăn nuôi bò sữa như chăm sóc, dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện chuồng trại... Theo đó, IDP thường xuyên mở các lớp học miễn phí cho bà con. Mỗi hộ gia đình đều được thay phiên nhau đi học, sau khi học xong sẽ được cấp chứng chỉ cũng như tặng 500.000 đồng chi phí đi lại, ăn trưa và tài liệu học.
“Mỗi năm, chúng tôi được học tập trung hai lần nhưng điều đáng nói nhất là hàng tuần vẫn có cán bộ kỹ thuật của IDP xuống tận nhà để đảm bảo chúng tôi đang thực hành chăn nuôi bò đúng chuẩn. Nhờ thế, chỉ hơn 1 năm tham gia, gia đình tôi đã nhận được giấy chứng nhận Nông trại bò sữa Việt Love’in Farm”, chị Tý hồ hởi chia sẻ. Đến nay, sau khi kết thúc giai đoạn 1, đã có gần một ngàn hộ nông dân tại Ba Vì và các vùng lân cận được IDP cấp giấy chứng nhận nói trên.
Điểm hay của chương trình Nông trại bò sữa Việt còn nằm ở việc hỗ trợ nông dân tăng nguồn vốn, từ đó mở rộng đàn bò. Thực tiễn cho thấy nếu mỗi hộ chỉ nuôi 1 - 2 con bò thì chỉ ở mức lấy công làm lời chứ chưa thể thu được lợi nhuận cao. Muốn có lãi, ít nhất mỗi hộ cần nuôi tối thiểu 6 - 8 con. Vì thế, IDP đã hỗ trợ các hộ nông dân vay 20 triệu VNĐ/con không tính lãi, thu hồi trong 18 tháng qua sản phẩm sữa tươi thu được.
Song song với những hỗ trợ về vốn và kỹ thuật, IDP cũng cam kết thu mua hết nguồn sữa tươi nguyên liệu với giá tốt và ổn định, giúp nâng cao đời sống của nông dân. Theo kết quả sơ bộ của dự án trong giai đoạn 1, hiện đàn bò sữa đã tăng trưởng 300% so với năm 2008. Lợi nhuận từ 1 con bò đã đạt từ 18 triệu - 20 triệu đồng/năm. Đồng thời, IDP đã giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động nông thôn.
Theo dự kiến, trong giai đoạn 2013 - 2020, chương trình sẽ được mở rộng đến các khu vực cao nguyên miền Trung, Bảo Lộc, Lâm Đồng, Củ Chi (TP.HCM). Hy vọng cùng với những chương trình này, người nông dân sẽ góp phần hình thành một mô hình phát triển kinh tế bền vững.